ĐẠI HỘI LẦN THỨ V HỘI XUẤT BẢN VIỆT NAM: CƠ HỘI KẾT NỐI HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH XUẤT BẢN VỚI TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP

01
01
'70

Hội Xuất bản Việt Nam thành lập năm 2001 là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp do Bộ Nội vụ thực hiện quản lý Nhà nước, Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ thông tin và Truyền thông) quản lý chuyên ngành, Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) chỉ đạo định hướng hoạt động. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, Hội Xuất bản đã thể hiện vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền xuất bản nước nhà, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Với mạng lưới thông tin kết nối rộng khắp, Hội Xuất bản trở thành ngôi nhà chung của những người làm xuất bản trên cả nước.

Trong kế hoạch hoạt động, Hội luôn coi trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Hội đã chủ động tích cực phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Khoa Xuất bản – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Xuất bản, Phát hành Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM, các nhà xuất bản, các công ty sách tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho biên tập viên, nhân viên phát hành.

Tại đại hội Hội Xuất  bản lần thứ V diễn ra tại Hà Nội ngày 12/7/2023 vừa qua, Tiến sĩ Vũ Thuỳ Dương – Trưởng Khoa Xuất bản Học viện báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) và Thạc sĩ Thái Thu Hoài – Phó trưởng Khoa Xuất bản, Phát hành, Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM đã được giới thiệu và trúng cử vào Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V (2023 - 2028). Đây là vinh dự lớn của các cơ sở đào tạo khi đại diện các Khoa chuyên môn được trực tiếp tham gia công tác điều hành hoạt động của Hội nghề nghiệp. Nó cũng mở ra cơ hội kết nối đa dạng giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị tuyển dụng. Trên cơ sở đó, khoa mở rộng các nguồn lực trong quá trình đào tạo. Về mặt nhân lực: các Khoa có thể dễ dàng tiếp cận những người giàu kinh nghiệm thực tiễn để giảng dạy hoặc nói chuyện chuyên đề với sinh viên đồng thời tham gia góp ý, xây dựng chương trình đào tạo với mục tiêu và chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất bản. Về mặt thông tin: các khoa cũng nhanh chóng nắm bắt được tình hình hoạt động của ngành nghề để cập nhật  vào nội dung chương trình đào tạo. Về mặt cơ sở vật chất: Khoa có thể mở rộng mối quan hệ với các đơn vị để đưa sinh viên đến tham quan thực hành, thực tập, huy động tài trợ học bổng cho sinh viên, đóng góp xây dựng phòng thực hành, tài liệu học tập…

Sự tham gia của đại diện các cơ sở đào tạo vào Hội Xuất bản cũng góp phần vào việc tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ của ngành Xuất bản hướng tới mục tiêu “sắp xếp ngành Xuất bản, in, phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” được xác định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ths. Trần Thị Quyên

Từ khóa: