ĐỌC SÁCH GIÚP BẠN TƯ DUY TỐT HƠN

01
01
'70

Bạn nghe chuyện “cho cá hay cho cần câu” chưa?

Một buổi sáng nọ, có một anh chàng đi câu cá, anh ấy câu được một con cá rất lớn, dĩ nhiên anh ta rất hăm hở, sung sướng với chiến lợi phẩm của mình. Trên đường về nhà, anh ta gặp một ông lão ăn xin, và anh ta đã quyết định tặng ông lão con cá của mình. Việc tặng cá cho người ăn xin làm chàng trai tự hào, thỏa mãn hơn cả việc câu được cá. Anh ta vui vẻ kể chuyện đó cho bạn bè và khẳng định rằng sáng mai đi câu, ông lão ăn xin sẽ không ngồi đó nữa, vì con cá rất to, đủ cho ổng ăn trong ít nhất 3-4 ngày. Nhưng một anh bạn của anh chắc chắn là ông lão vẫn sẽ ngồi đó. Quả nhiên sáng hôm sau ông lão ăn xin vẫn ngồi ăn xin ở đó, anh bạn giải thích rằng nếu muốn ông ấy không ăn xin nữa thì phải cho ông ấy cần câu. Và thế là hai anh chàng tặng luôn bộ cần câu “xịn” cho ông lão và chắc mẩm ngày mai sẽ không còn thấy ông ấy ngồi ăn xin nữa. Nhưng họ đã nhầm, sáng hôm sau đi ngang qua ông lão vẫn ngồi ở đó. Một anh bạn khác giải thích rằng, cho ông ấy cần câu mà không chỉ cách câu thì làm sao ông ấy biết câu? Thế là ba anh chàng ngồi xuống cùng hướng dẫn cho ông lão cách câu cá. Và, dĩ nhiên tới nước này thì chắc chắn ông lão đã có thể bỏ nghề ăn xin được rồi. Thế nhưng, sáng hôm sau, ông lão vẫn ngồi ở đó, ngả nón ăn xin. Ba anh chàng nọ rất bực tức, thất vọng, không thể hiểu nổi vì sao đã cho cần câu xịn, đã chỉ dẫn mọi ngón nghề câu cá, cá ở hồ nước gần đấy cũng đâu có ít, mà ông lão vẫn ngồi đó ăn xin? Họ đem câu chuyện kể cho một anh bạn thứ tư, và anh bạn đó đã nói rằng “Nếu mỗi sáng, ông lão vẫn thức dậy với tư duy của một người ăn xin, tin rằng mình là một người ăn xin, thì mãi mãi ông ấy không thể trở thành người câu cá được. Cho nên hãy giúp ông ấy thay đổi TƯ DUY trước đã”. Vâng, vấn đề nằm ở TƯ DUY.

Vậy, điều duy nhất khiến người ta có thể thay đổi là gì? Thứ đầu tiên bạn nên giúp người khác để cuộc sống của họ tốt hơn là gì? Chính là TƯ DUY. Trong lúc cấp bách bạn có thể cho cá, nhưng hãy giúp thay đổi TƯ DUY trước khi cho cần câu và dạy cách câu. Và, chính bản thân bạn cũng vậy, hãy thay đổi TƯ DUY của mình trước khi muốn thay đổi bất cứ điều gì.

Và một trong những cách để thay đổi tư duy mà tốn ít chi phí nhất, dễ dàng và thuận tiện để thực hiện nhất chính là ĐỌC SÁCH.  Có 6 cấp dộ tư duy và nếu tư duy của bạn đang ở cấp độ 3 trở lên, là cấp độ mà bạn đã khai mở được nguồn trí tuệ thông thái từ bên trong chính mình, thì đọc sách có lẽ không mấy cấp thiết nữa. Nhưng nếu bạn đang ở cấp độ 1, thì ĐỌC SÁCH sẽ là một trong những cách hữu hiệu để bạn có thể chủ động nâng tư duy của mình lên cấp độ 2, rồi 3, rồi 4…

Tới đây chắc bạn sẽ hỏi: Làm thế nào để đọc sách mà không rơi vào trạng muốn ngủ?

Bạn biết không? Chúng ta sinh ra vốn sẽ có khả năng tiếp nhận thông tin thông qua ba kênh: Nhìn, Nghe, Vận động. Và một trong ba kênh tiếp nhận này thường sẽ trội hơn hẳn ở mỗi người. Nếu bẩm sinh bạn có khả năng tiếp nhận thông tin thông qua Nghe hoặc Vận động tốt hơn hẳn kênh Nhìn, thì chắc chắn bạn rất ngán đọc, đọc là buồn ngủ, thấy chữ như thấy rừng cỏ dại. Đó là điều bình thường, rất rất nhiều người giống bạn. Tuy nhiên, chúng ta không có khả năng bẩm sinh thì chúng ta có thể rèn luyện để có được khả năng đó. Chỉ cần bạn muốn thì chắc chắn sẽ có cách. Hoặc bạn có thể Nghe Sách, có rất nhiều kênh sách nói từ Youtube cho tới VoiZ FM, FONOS, Google …

Phải làm gì nếu “Tôi luôn cảm thấy bận rộn và không có thời gian để đọc sách?”

Đó chỉ là bạn “cảm thấy”, một cảm giác không có gì là chắc chắn cho việc bạn có thời gian để đọc sách hay không. Tôi có một người bạn, cô ấy là người mẹ có 2 con (một đứa gần 4 tuổi và một đứa hơn 2 tuổi), cô ấy đi làm full-time, tự nấu nướng dọn dẹp, vẫn chơi với con mỗi tối, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ gần 4 năm nay, cô ấy vẫn tham gia các khóa học cô ấy thích, và hẳn nhiên cô ấy vẫn đọc sách hàng ngày. Mấu chốt là bản thân cô ấy không hề thấy mình bận rộn.

Và tôi cũng vậy, là một người rất bình thường với công việc hàng ngày giống như bạn và với chỉ số IQ trung bình cho việc sắp xếp thời gian. Nhưng tôi vẫn có thể đọc sách, tại sao bạn lại không? “Khi muốn bạn sẽ tìm cách, khi không muốn bạn sẽ tìm lý do”. Nếu bạn thực sự muốn, sẽ luôn có cách.

Nhưng tôi không thấy mình MUỐN ĐỌC?

Chỉ là vì chữ “WHY” của bạn chưa đủ lớn, bạn không thấy mình muốn đọc sách, nhưng:

  • Bạn có muốn sống một cuộc sống hạnh phúc với tâm thức rộng mở?
  • Bạn có muốn mỗi sáng thức giấc đều có cảm giác mình hôm nay tốt hơn mình hôm qua?
  • Bạn có muốn giảm khả năng thất bại?
  • Bạn có muốn mình bình an hơn khi gặp chuyện bất như ý?
  • Bạn có muốn trở thành tấm gương cho con cái?
  • Bạn muốn con cái bạn ham học hỏi?
  • Bạn muốn con cái mình thành công, thành nhân?
  • Muốn tìm được phương pháp dạy con, làm bạn cùng con?
  • Bạn có ý thức phát triển bản thân?
  • Muốn bản thân tự tin hơn?
  • Muốn cải thiện các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định?
  • Bạn muốn trở thành một thỏi nam châm thu hút mọi thứ tốt đẹp đến với mình?

Nếu câu trả lời là CÓ cho tất cả, vậy thì bạn đã có rất nhiều lí do để MUỐN ĐỌC SÁCH rồi, còn chần chừ gì nữa?

        Biết là thế nhưng vẫn cứ chần chừ thì phải làm sao?

Thì mặc kệ chần chừ, đừng nghĩ nữa, cứ hành động đi nào. “Hành trình vạn dặm luôn bắt đầu bằng một bước chân”.

Ngay bây giờ hãy Google xem sách nào đang hot nhất, hay vào Tiki.vn lướt một vòng và cho vào giỏ hàng một vài cuốn mà bạn thấy ấn tượng nhất đi. Hoặc trên đường đi làm về, bạn hãy ghé vào nhà sách, hãy chọn cho mình một cuốn. Bí quyết cho bạn là đừng chọn sách mình nghĩ mình cần đọc, hãy chọn cuốn mà mình thấy hứng thú đọc nhất, kể cả tâm trí có nói rằng cuốn đó không có ích lợi gì đâu. Mình vẫn đọc những cuốn truyện siêu hài như Có Một Phố Vừa Đi Qua Phố, Ông Già Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất, hay say sưa đọc một loạt văn học Nhật Bản,…Hãy bắt đầu bằng những gì bạn thích.

Đọc sách cũng giống như tập thể dục, tập thể dục là để có một cơ thể khỏe mạnh, thì đọc sách là để có một tâm trí khỏe mạnh. Và hiếm ai bẩm sinh đã thích tập thể dục cả, đa số đều phải tự mình xây dựng thói quen và duy trì nó, biến nó thành một phần nhu cầu trong cuộc sống khi nhận ra và nhận được lợi ích của nó. Đọc sách cũng vậy thôi, bạn phải tập xây dựng thói quen và biến nó thành một phần tất yếu trong cuộc sống của mình, đừng nghĩ rằng bẩm sinh phải thích đọc thì mới đọc được.

Nào, làm tới đi bạn ơi, cuộc đời không phải để chần chừ.

Don’t live just to get older, let live to get better day by day - Đừng sống chỉ để già đi, hãy sống để thấy mình tốt hơn mỗi ngày. Bạn nhé!

ThS Hoàng Thị Ngân

Từ khóa: