ĐỘNG LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN

01
01
'70

Thời gian qua, thế giới có nhiều biến động và hoạt động của ngành xuất bản cũng đứng trước những thay đổi lớn. Nhiều nhà xuất bản trên thế giới đã chuyển đổi phần lớn hoạt động sang xuất bản số. Điều đó khiến cho các nhà xuất bản chưa quan tâm đúng mức đến chuyển đổi số phải nhìn nhận lại mô hình hoạt động của mình. Mặc dù sách in hiện vẫn đang chiếm thị phần ưu thế, nhưng trong tương lai, nhu cầu về các loại sách kỹ thuật số của độc giả sẽ gia tăng mạnh mẽ, kéo theo sự hình thành quy trình và mô hình xuất bản mới.

Xuất bản số không phải là điều hoàn toàn mới lạ. Phát minh ra máy ghi âm và các thiết bị điện tử đã tạo nền tảng cho sự ra đời của audiobook vào nửa đầu và ebook vào nửa cuối thế kỷ 20. Song, tầm ảnh hưởng của các ấn phẩm số hoá này còn nhỏ trước sản phẩm sách in với lịch sử hơn 500 năm. Bước sang thế kỷ 21, công nghệ phát triển siêu tốc độ tạo cơ hội cho các nhà xuất bản sáng tạo những sản phẩm hấp dẫn, tương tác cao, trải nghiệm độc đáo, tiếp thị nhanh chóng và phân phối đơn giản. Công nghệ đã hình thành nên phương thức kết nối mới từ nhà xuất bản đến độc giả, rút ngắn thời gian và khoảng cách trong quá trình thực hiện mối quan hệ cung cầu.

Ở Việt Nam, nắm bắt xu hướng chung của thị trường, các nhà xuất bản và đơn vị kinh doanh cũng đã khởi động xuất bản và kinh doanh sách kỹ thuật số. Năm 2010, Phương Nam Book và Nhà xuất bản Âm nhạc phối hợp triển khai dự án “Đọc sách cùng bạn” – thực hiện các chương trình audiobook lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Năm 2012, công ty TNHH Sách điện tử Trẻ Ybook (Thành viên của Nxb Trẻ) chính thức cung cấp ebook ra thị trường. Từ đó cho đến nay số lượng các nhà xuất bản và đơn vị kinh doanh sách kỹ thuật số được cấp phép chưa tới 20 đơn vị. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, thời điểm hiện nay là lúc các đơn vị cần bắt tay vào đầu tư một cách chuyên nghiệp vào việc chuyển đổi số nếu như không muốn bị tụt hậu trong một tương lai gần. Mặc dù quá trình này không hề đơn giản, song những nền tảng hỗ trợ cho chuyển đổi số đã định hình tương đối rõ ràng và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển xuất bản số ở nước ta. 

- Định hướng & chính sách

Cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản đã và đang có những động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Trong phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của ngành nêu rõ “Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó chú trọng đến việc thực hiện chuyển đổi số”.

Toạ đàm “Văn hoá đọc trong xu thế chuyển đổi số”

tại lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 8

Từ định hướng chung đó, nhiều hoạt động được triển khai như toạ đàm “Văn hoá đọc trong xu thế chuyển đổi số” diễn ra vào dịp khai mạc Ngày sách Việt Nam năm 2021, hội thảo chuyên đề của các nhà xuất bản nhằm nhận diện các vấn đề về chuyển đổi số và hướng đi tương lai vv....Ở các diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản luôn nhấn mạnh sự cấp thiết chuyển đổi số hiện nay và đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ cho quá trình này. Với quyết tâm xây dựng và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi và chính sách phù hợp cho các đơn vị tích cực tham gia.

- Khách hàng tiềm năng & thị trường mở rộng

Sở hữu và sử dụng các thiết bị điện tử ngày nay trở nên đơn giản đối với nhiều người trên thế giới. Theo khảo sát của Statista, tại Việt Nam, có khoảng 61,3 triệu smartphone đang được sử dụng, đưa nước ta vào nhóm các quốc gia có số lượng smartphone cao nhất trên toàn cầu năm 2020. Sự hiện diện phổ biến của smartphone đã làm thay đổi sâu sắc nhu cầu và hành vi của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng trẻ tuổi với các sản phẩm trong đó có sách. Việc tích hợp sách kỹ thuật số trên các hệ điều hành như iOS, Android, Windows Phone....giúp sách dễ dàng tiếp cận đến khách hàng hơn hẳn so với thời kỳ của những thiết bị đọc sách độc lập. Có thể nói số lượng smartphone càng tăng, khách hàng tiềm năng của sách kỹ thuật số càng mở rộng. Thị trường sách in thường bị giới hạn ở những khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa một phần vì trở ngại về địa hình, địa lý. Thị trường của sách kỹ thuật số có thể vươn tới bất cứ nơi đâu có kết nối internet và điện thoại thông minh – trong nước và trên thế giới. Cơ hội còn lớn hơn đối với các nhà xuất bản nắm giữ hoặc liên kết với các tập đoàn có hạ tầng công nghệ lớn bigdata.

-  Công nghệ và chi phí

Các tập đoàn công nghệ thông tin lớn như Google, Facebook.... cùng với các hãng sản xuất thiết bị điện tử như Apple, Samsung, Sony, Nokia...đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và duy trì kho sách kỹ thuật số khổng lồ. Thị trường công nghệ đã sẵn sàng cung ứng cơ sở hạ tầng cho các nhà sản xuất sách kỹ thuật số. Công nghệ trong tương lai còn cho phép hoạt động xuất bản hướng tới mô hình đa nền tảng (mutil – platform) nhờ đó sách có thể đến tay độc giả dưới nhiều hình thức, phiên bản trên nhiều kênh khác nhau. 

Một ứng dụng đọc/nghe sách kỹ thuật số cung cấp trên 4 triệu đầu sách

Công nghệ còn góp phần giảm chi phí của hoạt động xuất bản số trong dài hạn. Sự tham gia của máy móc vào một số công đoạn giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Theo CEO của ứng dụng Voiz FM, công ty đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đọc các từ ngữ thông dụng hoặc phần nội dung không đòi hỏi nhiều biểu cảm. Xuất bản sách kỹ thuật số không cần đầu tư nhiều chi phí cho nguyên vật liệu và nhân công. Nó còn cho phép cung cấp cho nhiều khách hàng mà không tốn chi phí nhân bản như sách in. Nhờ đó, giá bán của sách kỹ thuật số thấp hơn nhiều so với sách in. Chẳng hạn bộ sách in gồm 3 tập “Chiến tranh tiền tệ” có giá 360.000đ trên một trang thương mại điện tử, thì mức giá trên một ứng dụng sách nói gồm 2 tập chưa đến 5.000đ. Điều này rất có ý nghĩa trong việc thu hút người dùng. Số lượng người dùng càng nhiều, lợi nhuận cho doanh nghiệp càng cao vì chi phí biên trong việc phát hành thêm sách kỹ thuật số rất thấp. Khi doanh nghiệp vận hành hoạt động xuất bản, kinh doanh sách kỹ thuật số bước vào giai đoạn ổn định, lợi thế về mặt chi phí sẽ ngày càng trở nên rõ ràng. Những khía cạnh khác như ứng dụng công nghệ trong quản lý, trong bán hàng và chăm sóc khách hàng, bên cạnh tính nhất quán, chính xác còn có thể giúp giảm chi phí nhân lực, chi phí lưu thông...nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng trong xuất bản số

 

Chuyển đổi số trong xuất bản không chỉ đơn giản là số hoá các ấn phẩm. Hoạt động này đòi hỏi ứng dụng công nghệ để vận hành đồng bộ trong toàn hệ thống . Hay nói cách khác, cần một sự thay đổi toàn diện trong quy trình xuất bản - kinh doanh. Việc bảo thủ, thận trọng, không dám thay đổi có thể làm mất đi cơ hội phát triển của đơn vị kinh doanh bởi lẽ nhìn vào ngành công nghiệp xuất bản trên thế giới, đặc biệt qua đại dịch Covid 19 thời gian qua, xuất bản số dường như đã trở thành tiêu chuẩn mới của ngành.

Ths.Trần Thị Quyên

Từ khóa: