ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH BỆNH COVID 19 ĐẾN THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM

01
01
'70

            Xuất hiện ở nước ta đầu năm 2020, dịch bệnh Covid 19 đến nay vẫn là yếu tố gây ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội. Hai năm qua, các đợt dịch bùng phát kéo theo việc giãn cách trên diện rộng và trong khoảng thời gian dài đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng bị hạn chế. Nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng thấp và hầu hết không đạt các chỉ tiêu Quốc hội giao. 

            Trong bối cảnh đó, thị trường sách cũng chịu tác động mạnh mẽ từ sự gián đoạn cung cầu. Những thách thức mà các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm phải đối mặt chưa từng có tiền lệ, do đó rất khó khăn và bị động trong việc ứng phó và chuyển đổi phương thức hoạt động.

            Khi các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, học sinh sinh viên có  thời gian nghỉ học hoặc học trực tuyến kéo dài. Đặc biệt đợt bùng phát dịch năm 2021 đã khiến  cho hàng triệu học sinh, sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh không thể đến trường trong thời  gian 9 tháng. Các trung tâm dạy ngoại ngữ, các cơ sở dạy thêm... cũng tạm đóng cửa, chuyển đổi  hình thức dạy và học. Nhu cầu mua sách của nhóm khách hàng trọng điểm bị đẩy xuống mức  thấp nhất từ trước đến nay. Các hoạt động thu hút sự hưởng ứng của công chúng như hội sách,  triển lãm sách, đường sách...- vốn đóng góp tương đối lớn vào doanh thu ngành sách - không  thể tổ chức như thường lệ. Cao điểm dịch vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9, các đơn hàng sách   không được vận chuyển vì sách chưa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu. Trong khi doanh   thu bán hàng giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2020, thậm   chí có thời gian các nhà sách truyền thống phải đóng cửa, thì doanh nghiệp vẫn phải chi phí cho việc thuê mặt bằng, trả một phần lương cho nhân viên và các chi phí khác để duy trì cửa hàng sẵn sàng hoạt động trở lại.

           Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu xuất bản phẩm và liên kết xuất bản, dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động mạnh đến giao dịch thương mại với thị trường sách thế giới. Các hội chợ sách quốc tế và khu vực chuyển sang tổ chức trực tuyến hoặc tổ chức trực tiếp với những quy định hạn chế gây trở ngại cho việc mua bán bản quyền, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác. Việc thực hiện đơn hàng nhập khẩu gặp khó khăn cả về thời gian lẫn chi phí vận chuyển, đặc biệt với các đơn hàng từ thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm giảm 35,7% so với năm 2019. Năm 2021, con số này tiếp tục giảm 16,6% so với năm 2020.

BIẾN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG SÁCH

DƯỚI ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH BỆNH COVID 19

 

Năm

Số lượng bản sách phát hành (triệu bản)

Tốc độ tăng trưởng

 sản phẩm (%)

Doanh thu toàn ngành (tỷ đồng)

Tốc độ tăng trưởng

 doanh thu (%)

2017

415,6

0,27

3.980

1,58

2018

424

2,02

4.235

6,4

2019

440

3,77

4.362

2,99

2020

330

-25

3.700

-15,17

2021

225

-31,83

2.900

-21,62

Nguồn: Tác giả tính toán từ báo cáo của Cục xuất bản, In và Phát hành

             Có thể thấy rõ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường sách thông qua dữ liệu về số lượng sách phát hành và doanh thu toàn ngành, đối sánh với 3 năm liền trước. Số lượng bản sách phát hành lao dốc với mức giảm mạnh 25% (năm 2020) và 31,83% (năm 2021). Tính đến cuối năm 2021, lượng sách được tiêu thụ trên thị trường chỉ bằng 51% so với trước khi đại dịch diễn ra (2019). Doanh thu toàn ngành năm 2021 chỉ đạt khoảng 66,5% so với năm 2019 và là mức doanh thu thấp nhất từ năm 2014 đến nay.

             Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn liên tiếp dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm, nhưng nỗ lực của ngành phát hành sách là rất đáng ghi nhận. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm đã từng bước thích ứng và đưa ra các giải pháp nhằm duy trì việc cung ứng sách cho thị trường như phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực tham gia hội sách trực tuyến....Ngay khi nền kinh tế về trạng thái bình thường, các doanh nghiệp đã khẩn trương tổ chức hoạt động kinh doanh, cung cấp sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh trở lại trường học cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Thị trường sách những ngày tháng 3 đã nhộp nhịp trở lại. Ngành sách đang hồi sinh khi những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đến thị trường bớt nghiêm trọng hơn.

ThS Trần Thị Quyên

Từ khóa: