Ngành Xuất bản đặt chất lượng lên hàng đầu

01
01
'70

Không quá lời khi cho rằng, ngành Xuất bản Việt Nam đã bắt nhịp sự vận động và phát triển của ngành Xuất bản thế giới. Thậm chí, có những năm, số lượng tựa sách xuất bản của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực. Có điều, doanh thu đến từ ngành Xuất bản lại chưa tỷ lệ thuận với điều đó.  

“Chịu chi” nhưng giảm thu

Chỉ sau 2 ngày ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, NXB Tổng hợp TPHCM lập tức công bố về việc mua bản quyền thành công cuốn sách Joe Biden - Une Histoire Américaine. Một thời gian sau, ấn phẩm này đã được ra mắt bạn đọc với tựa tiếng Việt là Joe Biden - Từ Scranton đến Nhà Trắng. Thời điểm này, ngoài NXB Tổng hợp TPHCM, nhiều ấn phẩm liên quan đến Tổng thống Joe Biden cũng được các đơn vị trong nước ráo riết “săn lùng” và lần lượt giới thiệu đến bạn đọc. Điều này cho thấy các đơn vị xuất bản của Việt Nam đã có sự thức thời và nhanh nhạy trong việc tìm kiếm, khai thác đề tài, giúp độc giả trong nước không bị tụt hậu so với độc giả thế giới. 

Sự bắt kịp với xuất bản thế giới còn thể hiện ở việc các đơn vị trong nước sẵn sàng tham gia các hội sách lớn trên thế giới như Hội sách Frankfurt, Hội sách thiếu nhi Bologna, Hội sách Bắc Kinh, Hội sách Seoul… Thậm chí, nhiều đơn vị còn không ngại cạnh tranh lẫn nhau về giá, miễn sở hữu được bản quyền. 

Chính sự “chịu chi” cho đề tài nước ngoài, cộng thêm đề tài trong nước, khiến số lượng tựa sách mới hàng năm của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực. Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2020 có 36.218 tựa sách được cấp phép xuất bản; trung bình, mỗi ngày có gần 100 tựa sách được xuất bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là doanh thu của ngành lại chưa tương xứng so với chi phí, công sức lẫn thời gian đã bỏ ra.

Cụ thể, năm 2017, trong khi Việt Nam xuất bản 30.000 tựa sách, dân số 90 triệu dân, doanh thu đạt 180 triệu USD, thì Malaysia có 17.000 tựa sách, 34,5 triệu dân, doanh thu đạt 300 triệu USD; Thái Lan có 14.000 tựa sách, 65 triệu dân, doanh thu đạt 650 triệu USD. Cá biệt là trường hợp của Hàn Quốc. Cùng số lượng tựa sách, dân số chỉ 53 triệu dân, nhưng doanh thu từ ngành xuất bản của nước này lên tới 5.176 tỷ đồng, gấp 52 lần doanh số/đầu người so với Việt Nam.  

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng, ngành xuất bản Việt Nam đang có sự đầu tư lệch. Theo ông, từ năm 2014-2019, số tựa sách ra đời mỗi năm tăng 30% (từ 28.326 lên 37.100 tựa) nhưng số bản in chỉ tăng 19% (từ gần 369 triệu lên 441 triệu bản) và số bản sách phát hành (bán được ngoài thị trường) cũng chỉ tăng 16% (từ 378 triệu lên 440 triệu bản). “Thông thường, một đơn vị xuất bản phải dành ra 60%-70% công sức cho các khâu khai thác đề tài, dịch thuật, biên tập, thiết kế, làm bìa… để làm ra một cuốn sách. Trong khi đó, công đoạn quan trọng không kém là tổ chức khai thác thị trường lại làm chưa tới”, ông Lê Hoàng cho biết. 

Vấn đề khai thác thị trường

Trong bối cảnh ngành xuất bản đang từng bước khôi phục sau đại dịch, làm thế nào để dung hòa giữa việc thu - chi, qua đó “vực dậy” thị trường xuất bản là vấn đề mà những người trong giới cần cân nhắc. Trong cuộc hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong điều kiện dịch Covid-19” vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, bạn đọc chính là thị trường của ngành sách. Tìm giải pháp để nâng cao văn hóa đọc, làm sao để ngày càng nhiều người đọc sách là giải pháp thúc đẩy kinh tế xuất bản.


Nhiều đơn vị phải giải quyết sách tồn kho bằng việc giảm giá sâu
Không để sách tồn kho là phương châm làm sách trong thời gian gần đây của Công ty Văn hóa Đông A. Đặc biệt, Đông A đang được nhìn nhận là đơn vị dẫn đầu trong việc làm sách theo phiên bản giới hạn, không chỉ đầu tư về nội dung mà còn chăm chút về hình thức, chất lượng giấy. Một trong những phương thức mà đơn vị này đang áp dụng là cho độc giả đặt sách trước. Nhờ đó, hầu như ấn phẩm giới hạn nào của Đông A cũng nhanh chóng được “chốt đơn”. 

Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Văn hóa Đông A, thừa nhận về sự lãng phí bản quyền của ngành xuất bản Việt Nam. Bởi có một thực tế là hiện nay các đơn vị đang đổ dồn cho việc mua bản quyền của nước ngoài quá nhiều, gần như sách gì của thế giới ra mắt thì Việt Nam cũng có. Chính Đông A cũng từng rơi vào tình trạng này. 

“Chúng tôi cũng thường tham dự các hội sách lớn trên thế giới. Tại hội sách, chúng tôi chỉ có thời gian để nghe tóm tắt, không thể đọc hết nội dung của cuốn sách. Có những tựa sách tên hay, được đánh giá tốt, nhưng về Việt Nam dịch xong lại thấy có nhiều vấn đề. Những năm đó, chúng tôi phải bỏ đi không ít bản quyền đã mua và coi đó là học phí, còn hơn phát hành ra lại mất thêm nhiều chi phí khác. Tuy nhiên, có cuốn vẫn buộc phải in, dẫn đến tình trạng có đầu sách không phù hợp và sức bán rất kém”, ông Thắng chia sẻ.

Để hạn chế sự lãng phí này, giải pháp mà Đông A áp dụng cho dòng sách phổ thông, chính là tập trung vào chất lượng của mỗi đầu sách. “Hiện tại, sách giới hạn chỉ là một phần, chúng tôi vẫn phải dựa vào dòng sách phổ thông. Thay vì đặt ra tiêu chí mỗi năm xuất bản 50 tựa sách, giờ đây chúng tôi tập trung chọn lọc thật kỹ về chất lượng. Chúng tôi chấp nhận mỗi năm chỉ in 5 đến 7 tựa sách, nhưng đó phải là những cuốn sách có chất lượng tốt nhất”, ông Trần Đại Thắng nói thêm.

Ông Lê Hoàng cho rằng, các đơn vị xuất bản cần lưu ý đến những giải pháp có tính căn cơ, mang tính lâu dài hơn qua việc nâng cao sức đọc của người dân, tìm cách khai thác thị trường. Từ kinh nghiệm và quan sát của bản thân, ông Lê Hoàng bày tỏ: “Những người làm sách phải biết bán sách là bán cái độc giả có nhu cầu, không phải bán cái mình muốn. Hiện tại, chúng ta đang dồn sức cho ra đời một quyển sách, nhưng lại rất ít, thậm chí là yếu kém trong việc dành thời gian để gặp gỡ độc giả, tìm hiểu và khai thác thị trường”.

(Nguồn : Sài Gòn Giải Phóng )

Từ khóa: