Làm gì để phát triển văn hoá đọc trong doanh nghiệp?
Đó là vấn đề chính được đặt ra trong buổi hội thảo "Phát triển văn hoá đọc trong doanh nghiệp", diễn ra ngày 3/12, tại Hội Nhà báo TPHCM. Hội thảo nhận được sự quan tâm của hàng trăm đại biểu có mặt trực tuyến và trực tiếp, cho thấy đây chính là chìa khoá quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp.
Vai trò của sách với lực lượng doanh nhân
Tại hội thảo có 11 tham luận đến từ các đơn vị trong ngành xuất bản, doanh nghiệp và nhà khoa học, thể hiện các góc nhìn khác nhau nhưng cùng mục tiêu chung tay xây dựng văn hoá đọc trong doanh nghiệp.
Theo đó, các tham luận khẳng định hiện nay vai trò của doanh nhân như tầng lớp tinh hoa góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong 30 năm qua, nhất là trong giai đoạn hội nhập hôm nay.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng, cùng nhiều yếu tố khách quan khiến một bộ phận doanh nhân vẫn chưa được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức dẫn đến một số hạn chế trong việc cạnh tranh hội nhập.
Điều này càng cho thấy, việc bổ sung kiến thức thông qua sách trong khả năng tự học, cập nhật kiến thức là điều quan trọng và cần thiết cho các doanh nhân. Sách là một trong những phương tiện nhằm phát triển nền tảng tri thức cho đội ngũ doanh nhân, để hoàn thiện công việc kinh doanh cũng như hoàn chỉnh bản thân.
Không chỉ cá nhân, các doanh nhân trong vai trò lãnh đạo cần phải xác định điều này để làm gương, lan toả tinh thần đọc sách cho doanh nghiệp, tạo nên văn hoá đọc riêng, phát triển bền vững doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin Truyền thông khẳng định: "Trong các con đường để hình thành đội ngũ doanh nhân này, sách là một trong những phương tiện, theo tôi, là quan trọng, thậm chí quan trọng hàng đầu.
Nhìn vào tất cả các doanh nhân thành công thế giới ngày nay, từ tỷ phú kinh doanh tài chính như Warren Buffett, đến các tỷ phú công nghệ như Bill Gates và Steve Jobs, qua các tỷ phú đi lên từ thất bại Jack Ma, hay tỷ phú sáng tạo Elon Musk, họ đều là “những con mọt sách”. Bill Gate đọc khoảng 50 cuốn mỗi năm.
Vốn, đất đai, tài sản, thương hiệu và kinh nghiệm kinh doanh vẫn rất quan trọng nhưng sẽ trở nên vô nghĩa nếu doanh nhân đó không nắm trong tay nguồn tri thức đáp ứng đòi hỏi mới của thời đại. Thật thú vị, sách chính là người thầy, người bạn, là phương tiện cung cấp nguồn tài sản vô tận đó".
Thế nhưng, hiện nay việc phát triển văn hoá đọc tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp do không có thời gian, nên gần như bỏ ngỏ. Điều quan trọng, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc đọc sách, mà quan niệm chính thực tiễn mới góp phần phát triển doanh nghiệp.
Cần kiên trì và có phương pháp thích hợp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Sách Sài Gòn - Saigon Books: “Nếu so sánh với các nước phát triển, rõ ràng tỷ lệ đọc sách trên đầu người của Việt Nam còn thấp, tức là quy mô thị trường sách của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, chứ không nói đến các nước Âu Mỹ”.
Có rất nhiều nguyên nhân chính dẫn đến việc khó phát triển văn hóa đọc nơi công sở, nhưng đa phần có 2 nguyên nhân chủ yếu là không có thời gian (áp lực công việc, gia đình, bạn bè…) và đa số các công ty, doanh nghiệp cũng không quá chú trọng đến việc đưa văn hóa đọc vào trong đào tạo doanh nghiệp, dẫn đến thực tế là nhân viên và ngay cả người quản lý ít có cơ hội được tiếp cận với các đầu sách phù hợp với mình.
Điều này cho thấy việc đưa văn hóa đọc vào các doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung là điều không thể xây dựng ngày một ngày hai mà cần có những “chiến lược” và định hướng lâu dài.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha Books nhận định, việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp đòi hỏi một chiến lược và cách tiếp cận toàn diện, trong đó mục tiêu chính là biến doanh nghiệp trở thành một tổ chức học tập.
Muốn biến doanh nghiệp trở thành một tổ chức học tập, cần xây dựng hệ sinh thái bao gồm 3 cột trụ chính: Sách và tri thức; Không gian đọc và các hình thức khuyến đọc, trao đổi, thảo luận; Các hoạt động khuyến đọc thông qua giải thưởng/vinh danh và con người.
Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là việc đưa tủ sách (vật chất) vào trong doanh nghiệp. Tủ sách doanh nghiệp chỉ là phần thể xác. Muốn văn hóa đọc thật sự hoạt động và hiệu quả thì cần thổi hồn vào doanh nghiệp bằng các hoạt động khuyến khích đọc sách, hướng dẫn/đào tạo các kiến thức có trong sách, talk/hội thảo, các cuộc thi/giao lưu đọc sách giữa các doanh nghiệp, chỉ số xếp hạng văn hóa đọc cho các doanh nghiệp…
Đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đưa ra một phương pháp thú vị khi cho rằng, nên thay thế những hoạt động giải trí của cán bộ công nhân viên trong giờ nghỉ trở thành “giờ thư thái tâm hồn” với kệ sách, tủ sách ở không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt chung.
Thực hiện những đầu sách theo nhu cầu để từ lãnh đạo đến nhân viên có thể dành ra ít nhất khoảng 30 phút cho việc đọc sách trong ngày. Thậm chí, “giờ thư thái tâm hồn” nên đưa vào hoạt động thường xuyên, được quản lý mềm bởi Đoàn Thanh niên hoặc công đoàn nếu có những tổ chức này và có giải thưởng bằng sách với những thành viên tích cực.
Bên cạnh “giờ thư thái tâm hồn”, nếu có thể thì theo tháng hoặc quý, lãnh đạo có thể mời những người đã thành công từ sách, tỷ phú viết sách hoặc chính người làm sách từ nhà xuất bản, công ty sách đến nói chuyện, chia sẻ về sách qua những chủ đề, thông điệp nhẹ nhàng tùy vào thực tế từng doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta có thể đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa đọc liên quan đến sách trên các nền tảng online bằng cách sử dụng Internet để tiếp cận Ebook, tìm kiếm và biết đến nhiều cuốn sách bổ ích khác thông qua các nền tảng số.
Bên cạnh đó, việc lập ra một group chung trong nội bộ công ty để chia sẻ và nêu lên những cảm nhận về những cuốn sách mình yêu thích với đồng nghiệp và lãnh đạo cũng là một cách để mỗi nhân viên phát triển khả năng viết và giao tiếp, đồng thời kéo gần khoảng cách, giúp mọi người hiểu nhau và có thể tìm kiếm được giải pháp để giải quyết các vấn đề trong công việc và cuộc sống mà mỗi cá nhân đang mắc phải.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2021 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chủ trì, phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam, Hội đồng Phát triển sách Doanh nhân và Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức.
“Văn hóa đọc thấp tất yếu bức tranh tiêu thụ sách của chúng ta không sáng sủa. Việc đọc lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ thành hình thói quen đọc. Văn hóa đọc cao góp phần vào sự phát triển của ngành xuất bản và cao hơn là sự phát triển của đất nước". Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
(Nguồn: Tạp chí Doanh Nhân Trẻ)
-
24022023
-
07012024
-
17062024
-
08102022
-
07102021
-
11062024
-
09112021
-
07102022
-
31102023
-
24102018
-
31032021
-
15092023