HƯỚNG ĐI CHO NGÀNH XUẤT BẢN ĐÔNG NAM Á

01
01
'70

Trong bối cảnh đại dịch kéo dài, ngành sách ở các quốc gia Đông Nam Á nỗ lực tìm hướng đi thông qua việc bán bản quyền và hợp tác xuất bản với những nước trong khu vực.

Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, ngành xuất bản cũng không ngoại lệ. Nhiều cửa hàng sách phải đóng cửa, sách không phải mặt hàng thiết yếu nên khó vận chuyển. Điều này dẫn đến doanh thu sụt giảm mạnh.

Với sáng kiến của Hội Xuất bản Indonesia, diễn đàn trao đổi trực tuyến về giao dịch bản quyền trong mùa dịch của các quốc gia Đông Nam Á đã diễn ra chiều 17/11, quy tụ 6 chuyên gia xuất bản tham dự đến từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.

Thực trạng ngành xuất bản Đông Nam Á trong mùa dịch

Theo bà Andrea Pasion-Flores, đại diện giới xuất bản Philippines, trong năm qua, doanh số của 20 đơn vị xuất bản Philippines giảm mạnh. Cụ thể, năm 2020, con số này là 5,25 tỷ peso (giảm 2,03 tỷ peso so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch ập đến).

Nguyên nhân của sự trì trệ này nằm ở việc nhiều đơn vị xuất bản phải điều chỉnh kế hoạch, tạm hoãn in sách. Bên cạnh đó, phát hành sách theo cách truyền thống (sách in, bán sách tại hội chợ…) cũng bị ảnh hưởng, lượng sách tồn đọng trong kho rất lớn.

Bà Rosidayati Rozalina, thành viên Ban cố vấn Hội Xuất bản Indonesia, cũng thông tin trong năm 2015, ngành sách ở nước này có khoảng 102 triệu bản được phát hành. Năm 2019, giảm còn 94 triệu bản. Riêng mảng sách giáo khoa giảm tới 3 triệu bản.

Đại dịch là nguyên nhân khiến doanh số sách tham khảo phục vụ học sinh, sinh viên ở quốc gia này giảm mạnh, do con người có xu hướng tìm thông tin trên Internet hoặc mượn sách ở thư viện nhiều hơn.

“Nhiều đơn vị xuất bản Indonesia phải hạn chế làm sách mới, chỉ tập trung tái bản và hợp tác với các đơn vị khác để bán sách giấy và chống sách lậu”, bà Rosidayati Rozalina cho biết.

Cùng hứng chịu những tác động do đại địch gây nên, ngành xuất bản Thái Lan không nằm ngoài thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng từ các nhà sách và đơn vị phát hành.

Ông Punrit Taechatada, đại diện Hội Xuất bản Thái Lan, chia sẻ rằng sức mua của độc giả trong nước đang bị bào mòn, thị phần sách giảm do quá phụ thuộc vào các cửa hàng bán sách truyền thống.

Trong khi đó, ông Arief Hakim Sani Rahmat - Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia - cho biết nhiều nhà sách và đơn vị xuất bản ở nước ông phải tạm đóng cửa. Song mảng sách giáo dục tăng mạnh và ebook đã thực sự tạo nên sức hút lớn đối với toàn ngành.

Đại dịch khiến trẻ em tìm đến sách nhiều hơn. Ảnh: Asia Society.

Các biện pháp kích cầu ngành xuất bản

Với nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch, ngành sách ở các quốc gia Đông Nam Á vẫn nỗ lực tìm hướng đi với mong muốn giảm bớt sự trì trệ cho toàn ngành.

Đại diện giới làm sách Philippines cho biết nhiều đơn vị xuất bản ở quốc gia này đang dần chuyển sang bán online và thu được hiệu quả bước đầu.

“Do không phải trả tiền thuê cửa hàng, không phải chờ đợi cửa hàng sách cho ký gửi và dòng tiền bán sách online luân chuyển nhanh hơn, nên chúng tôi không phải ‘cõng’ thêm nhiều chi phí. Từ đó, chúng tôi chiết khấu được giá bán lẻ nhiều hơn. Bạn đọc có thể mua được nhiều tựa sách một lúc hơn với sự thuận tiện về thời gian và cách thức thanh toán”, bà Andrea Pasion-Flores nói.

Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản ở Philippines bắt đầu tương tác với độc giả thông qua mạng xã hội. Các sự kiện online giới thiệu sách và mua bán bản quyền cũng dần trở thành xu thế chính.

Để khuyến khích ngành xuất bản phục hồi trong đại dịch, Hội Xuất bản Philippines đã có phương án trợ giá bán sách online (một số tựa lên tới 90%) và thành lập các quỹ hỗ trợ dịch thuật cũng như công tác xuất bản, hướng tới nội khối ASEAN, đồng thời khuyến khích các nhà xuất bản bán bản quyền ra nước ngoài dưới sự hỗ trợ của Chính phủ.

Ở Indonesia, số lượng nhà xuất bản chuyển sang làm ebook tăng từ 20% (năm 2015) lên 40% (năm 2020). Ebook chiếm khoảng 12% tổng doanh thu toàn ngành.

Để ngành xuất bản có thể trụ vững giữa làn sóng đại dịch, Hội Xuất bản Indonesia tiến hành tổ chức các hội thảo online bàn về cách ứng phó trong trạng thái “bình thường mới” và Hội chợ sách quốc tế Indonesia trực tuyến kết hợp trực tiếp, nhằm đưa sách đến người dân nhiều hơn.

Bên cạnh đó, giới xuất bản Indonesia đề xuất Chính phủ hỗ trợ ngành sách trong một số sáng kiến như: “Nulis dari Rumah” (sáng kiến giúp các tác giả và nhà xuất bản duy trì hoạt động trong đại dịch), “Beli Buku Lokal” (sáng kiến giúp các nhà xuất bản bán sách trên những nền tảng chính thống) và thúc đẩy bán bản quyền sách ra thế giới.

Hội Xuất bản Thái Lan cũng tìm ra hướng đi riêng cho mình. Các cơ chế hỗ trợ ngành sách Thái Lan được ông Punrit Taechatada nêu ra trong diễn đàn trực tuyến gồm: Hướng tới các nền tảng sách online và các ứng dụng đọc sách online; xây dựng cơ sở dữ liệu về sách bán bản quyền để khách hàng tiềm năng có thể truy cập; ứng dụng công nghệ mới vào ngành sách…

Cũng trong diễn đàn này, ông Chua Hong Koon, thành viên Hội đồng Sách Singapore, cho biết ngành sách nước ông đang hướng tới chiến lược “Tìm chuyên gia hơn là nhà xuất bản”.

“Trước đây, chúng tôi tìm đến các đơn vị xuất bản quan tâm và dịch sách của mình. Nhưng cách thức hiện nay chúng tôi áp dụng là tìm một chuyên gia ở từng nước để dịch sách cho thị trường tương ứng. Chuyên gia đó sẽ tự tìm nhà xuất bản để in sách, sau đó cùng phối hợp để quảng bá sách cả bản gốc và bản dịch”, ông Chua Hong Koon chia sẻ.

Không chỉ thế, ngành xuất bản Singapore còn chủ trương hợp tác với các đơn vị xuất bản châu Á vì cho rằng đây là mảnh đất “có nhiều nội dung tốt, chất lượng, đặc biệt là sách thiếu nhi, có thể hợp tác để bán bản quyền cho các dự án đồng xuất bản”. Vì thế, giới làm sách Singapore đã thành lập thêm bộ phận làm sách thiếu nhi và đầu tư vào công nghệ mới (thực tế ảo AR).

Một số cuốn sách viết về chủ đề đại dịch được xuất bản ở Việt Nam. Ảnh: Y Nguyên.

“Cú hích” đẩy mạnh ngành xuất bản

Tham dự diễn đàn trực tuyến này, TS Trần Đoàn Lâm - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới - thông tin trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, ngành sách trong nước đã nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 2020, Việt Nam xuất bản hơn 30.000 đầu sách, 400 triệu bản in, 9 đơn vị tham gia làm ebook, đạt gần 2.000 bản.

Qua bốn đợt bùng dịch, phát hành online lên ngôi, trở thành phương thức giúp các nhà xuất bản tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, địa chỉ Book365.vn cũng thu hút được sự quan tâm bước đầu của các đơn vị xuất bản trong việc giao dịch bản quyền.

Hội chợ sách online, Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng Sách Thông tin đối ngoại, Ngày sách Việt Nam vẫn được tổ chức trọng thể. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất đưa chương trình đọc sách vào trong nhà trường. “Đây là những sáng kiến và sự kiện nói lên điểm sáng của ngành xuất bản Việt Nam”, ông Lâm nói.

Theo nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, đại dịch gây đảo lộn cuộc sống con người, nhưng ở góc độ nào đó, nó chính là “cú hích” đẩy mạnh tiến độ của ngành xuất bản trong cuộc cách mạng 4.0, nhất là khi Việt Nam hiện nay có khoảng 70% dân số được tiếp cận Internet. Điều này là tiền đề thuận lợi cho mục tiêu chuyển đổi số.

Chia sẻ về một số điểm đáng chú ý của ngành sách trong nước, TS Trần Đoàn Lâm nói thêm: “Có một hiện tượng là thời gian qua, độc giả tìm mua nhiều hơn các tựa sách cũ đã được thời gian chứng minh. Tái bản sách cũ là một điểm mới trong thị trường sách Việt Nam trong suốt mùa giãn cách”.

Hai năm trở lại đây, ngành sách Việt Nam đón nhận nhiều đầu sách về chủ đề Covid-19. Đó là những tác phẩm không chỉ do chuyên gia viết, mà còn là của các cá nhân, đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch và cả những người trải qua thời gian cách ly tập trung hoặc chính bệnh nhân.

Theo ông Lâm, những cuốn sách đó thể hiện nỗi vất vả, tình yêu thương, sự gắn bó giữa người Việt với nhau trong mùa dịch, đồng thời nói lên sự quan tâm chăm sóc sức khỏe và phát triển đời sống con người, tiếp thêm tinh thần lạc quan, trở thành liều thuốc hữu hiệu giúp Việt Nam chiến đấu chống lại đại dịch.

Cũng trong diễn đàn trực tuyến này, đề xuất thành lập sàn giao dịch bản quyền sách Đông Nam Á được nêu ra, nhận được sự hưởng ứng của cả 6 diễn giả tham dự. “Đây là cơ hội để các nước trong khu vực hiểu nhau, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong ngành xuất bản”, ông Lâm đánh giá.

(Nguồn: Zing)

 

 

 

Từ khóa: