Xu thế đọc sách các nước trên thế giới trong mùa dịch Covid 19

01
01
'70

Các đợt giãn cách xã hội liên tiếp diễn ra khiến giới làm sách chịu nhiều tổn thất. Tuy nhiên, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng thói quen đọc sách.

Global English Editing - công ty xuất bản và hiệu đính trực tuyến hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới - đã đưa ra báo cáo nghiên cứu về thói quen đọc sách, tình hình xuất bản trong mùa dịch, đồng thời đề ra xu thế ngành sách trên toàn cầu trong thời gian tới.

Nhu cầu đọc sách trong mùa dịch tăng

Báo cáo của Global English Editing trả lời cho các câu hỏi: Những quốc gia nào có tỷ lệ đọc sách cao nhất ở các châu lục? Thể loại và định dạng sách gì đang là xu thế hiện nay? Đâu là những chủ đề sách được đón đọc nhiều nhất khi thực hiện giãn cách?...

Kết quả chỉ ra rằng Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ thời gian đọc sách nhiều nhất trên thế giới với trung bình 10,42 giờ/người/năm; tiếp đến là Thái Lan với 9,24 giờ và Trung Quốc là 8 giờ.

Một điều đáng chú ý là kể từ khi đại dịch bùng phát, 35% số người được khảo sát trên thế giới bắt đầu có thói quen tiếp cận sách qua nhiều hình thức: Đọc sách giấy, ebook; nghe audio book, podcast.

Các thể loại sách được đọc nhiều nhất có xu hướng thay đổi theo từng thời điểm. Song, thống kê cho thấy trong mùa dịch, một phần ba tổng số sách bán được trên thị trường thuộc thể loại tiểu thuyết lãng mạn, với doanh thu vượt hàng tỷ USD so với các thể loại khác.

Sách về tôn giáo và khoa học viễn tưởng là dòng phi hư cấu phổ biến ở định dạng audio book. The stand - tiểu thuyết kinh dị về thời hậu tận thế của tác giả Stephen King - là tựa sách được săn đọc nhiều trong mùa dịch, dù tác phẩm có độ dài lên tới 1.200 trang.

Thống kê từ ứng dụng đọc sách E-reader cũng cho thấy những tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết trinh thám tội phạm và lãng mạn được bạn đọc tiếp cận nhiều hơn ở định dạng ebook và audio book.

Bên cạnh đó, có thể kể tới một số cuốn sách best-seller của Amazon trong năm 2020 như Where the Crawdads Sing (Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của Delia Owens), Untamed (Sống cuộc đời bạn muốn của Glennon Doyle) hay Becoming (Chất Michelle của Michelle Obama)…

Trong số 35% người đọc sách mùa dịch, có 14% nói họ đọc “một cách nghiến ngấu” vì là một thói quen sẵn có. Đứng đầu bảng là Tây Ban Nha với 20%, Trung Quốc 17%, tiếp đến là Italy với 16%.

Đại dịch ập đến và bùng phát ở nhiều quốc gia từ tháng 3/2020. Riêng trong tháng này, 1,51 tỷ lượt truy cập vào các trang online để đọc hoặc nghe sách, tăng 8,5% so với tháng hai - thời điểm trước khi đại dịch diễn ra.

Theo nghiên cứu khoa học, một trong những lợi ích của việc đọc sách là giảm stress lên tới 68%. Đó cũng là lý do khiến nhiều người tìm đến sách để giải khuây trong những ngày giãn cách.

Gen Y, Z và X lần lượt là các nhóm đối tượng có tần suất đọc và nghe sách nhiều trong mùa dịch. Tiếp đến là thiếu nhi và nhóm người ở độ tuổi trung niên.

Gen Y, Z và X lần lượt là các nhóm đối tượng có tần suất đọc và nghe sách nhiều trong mùa dịch. Ảnh: Freepik.

Ngành xuất bản ra sao giữa đại dịch?

Doanh thu ngành công nghiệp sách toàn cầu trong năm qua đạt 119 tỷ USD dù các tựa sách thiếu nhi, sách giáo dục có mức tăng trưởng đáng kể.

Một điểm đặc biệt là trong mùa dịch, bất chấp việc các hiệu sách lần lượt đóng cửa, doanh số bán sách giấy vẫn khả quan hơn so với ebook và audio book nhờ vào hình thức bán online trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Các tựa sách về chủ đề thiên nhiên, nấu ăn và sách thiếu nhi được đánh giá là phù hợp để các thành viên trong gia đình cùng đọc. Hơn nữa, thực hiện lệnh giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc trẻ em không thể đến trường, trong khi đây lại là đối tượng cần phải chạm tay vào cuốn sách giấy để đọc và học.

Song, dù đẩy mạnh hệ thống phát hành sách online, doanh thu toàn ngành vẫn giảm mạnh. Cụ thể, ở Pháp, doanh số bán sách giấy giảm 57%; hay như ở Mỹ, giảm 38%.

Một điểm sáng được nhìn thấy ở New Zealand là số thành viên đăng ký đọc và nghe sách ở các trang online tăng 50%. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, doanh số bán sách qua hệ thống online tăng 30%.

Vì tình hình dịch bệnh nên trẻ em không thể đến trường. Đó là lý do khiến doanh số bán sách giáo dục và sách thiếu nhi tăng mạnh. Nổi bật nhất là ở Anh, mảng sách này tăng đến 234% so với thời điểm trước khi bùng dịch. Nguyên nhân là phục vụ việc học của các em nhỏ, đồng thời cũng là công cụ giúp các bé tìm niềm vui trong những ngày giãn cách.

Thống kê cũng cho thấy rằng ở Anh có tới 63% số sách bán được trong mùa dịch là cho những người dưới 45 tuổi, trong khi 52% doanh số bán ebook là cho những người trên 45 tuổi.

Mỹ Latinh là châu lục có tỷ lệ người biết chữ lên tới 93,9% (cao hơn 8% so với mức độ trung bình của toàn thế giới). Có tới 74% trong số người Brazil được khảo sát nói họ đã tìm đến sách trong mùa dịch. Mexico đứng thứ hai với 71%. Tiếp đến là Colombia 68%, Chile 65% và Peru 63%.

Ở châu Á, những quốc gia có tỷ lệ số sách được đọc bình quân trên đầu người cao gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đặc biệt, xu hướng đọc ebook thực sự đã bùng nổ ở Trung Quốc: 455 triệu người dân nơi đây đọc ebook trong mùa dịch, chiếm 32% dân số nước này.

Xu hướng ngành sách

Nhìn nhận từ mức tăng trưởng 234% sách giáo dục ở Anh và dự đoán tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn, truyện thiếu nhi, mảng sách giáo dục, giải câu đố, tô màu tiếp tục được nhận định là sẽ vẫn có mức tăng trưởng mạnh.

Tiểu thuyết lãng mạn cũng được xếp vào thể loại phổ biến, phù hợp đọc trong thời điểm giãn cách. Sau đó, mảng sách khoa học viễn tưởng cũng được suy đoán là sẽ có nhiều cuốn best-seller, thậm chí được chuyển thể thành các bộ phim ăn khách của Netflix.

Không thể phủ nhận rằng đại dịch ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của con người, nhưng đồng thời, đó cũng chính là mảnh đất đề tài được các cây bút trên thế giới khai thác. Các chủ đề có thể xuất bản thành sách là sự ảnh hưởng của đại dịch, vấn đề hoảng loạn tâm trí, cuộc chiến sinh tử chống Covid-19 và tình người trong mùa dịch.

Bên cạnh đó, khi chuyển đổi số đang là vấn đề “nóng” trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được dự đoán là một chủ đề “chiếm sóng” của thể loại khoa học viễn tưởng trong thời gian tới.

Xuất bản sách giấy theo phương thức truyền thống đang diễn ra, nhưng song song với nó, mô hình số hóa trong xuất bản sẽ sớm được vận hành, từ đó, ebook, audio book và podcast sẽ nhanh chóng tạo nên "cơn sốt" trên thị trường sách.

Tin, ảnh: N.Thanh

Nguồn: Zing

Từ khóa: