Tọa đàm về thực trạng chương trình đào tạo ngành Kinh doanh xuất bản phẩm so với thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT

01
01
'70

Sáng ngày 16/05/2023, khoa Xuất bản, Phát hành đã tổ chức buổi Tọa đàm “Thực trạng Chương trình đào tạo ngành kinh doanh xuất bản phẩm so với Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Thực hiện Quyết định 246/ĐHVHHCM ngày 12/05/2023 của Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM, sáng ngày 16/05/2023 tại Phòng Hội thảo - cơ sở 1 của trường Đại học Văn hóa TP.HCM, khoa Xuất bản, Phát hành đã tổ chức buổi Tọa đàm “ Thực trạng Chương trình đào tạo ngành kinh doanh xuất bản phẩm so với Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Đến tham dự tọa đàm có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam, các bên sử dụng nguồn nhân lực đào tạo của khoa là các Nhà Xuất bản, các doanh nghiệp kinh doanh Xuất bản phẩm, các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành Xuất bản và phóng viên các báo đưa tin về tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm (Nguồn: BTC)

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng- Hiệu trưởng nhà trường khẳng định sự cần thiết về việc rà soát chương trình đào tạo của khoa theo thông tư 17/2021/TT-BGDĐT để cải tiến chương trình đào tạo ngành Kinh doanh Xuất bản phẩm theo đúng tinh thần hướng dẫn của thông tư. Đây cũng là dịp để chương trình đào tạo được các bên liên quan góp ý hoàn thiện nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và cũng từ đó tiến tới thực hiện kiểm định chương trình đào tạo trình độ đại học Kinh doanh Xuất bản phẩm vào năm 2024.

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng- Hiệu trưởng nhà trường khẳng định sự cần thiết của tọa đàm (Nguồn: BTC)

Tại tọa đàm, các đại biểu đều cơ bản thống nhất với các nội dung trong chương trình khung đào tạo, mục tiêu và chuẩn đầu ra… Hầu hết các nhà sử dụng lao động đều đều nhận định sinh viên của khoa phần lớn khi ra trường đều đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Ông Trịnh Hữu Anh Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành - Sở Thông tin và Truyền thông Tp. HCM phát biểu ý kiến tại tọa đàm (Nguồn: BTC)

Tuy vậy, cũng nhiều ý kiến cho rằng trong chương trình cần bổ sung thêm các môn học, nội dung đào tạo để cập nhật tình hình mới, đặc biệt với thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Ngoài ra, sinh viên cũng cần học thêm các chuyên đề thiên về kỹ năng (có thể ngoại khóa) để sinh viên rèn luyện các kỹ năng soạn thảo, trình bày văn bản, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tự học để giúp cho sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu xã hội hiện nay.

Ông Đặng Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển, NXB Trẻ, từng học và nghiên cứu Xuất bản tại Mỹ, cho rằng các môn học hiện tại trong chương trình đào tạo của khoa khá đầy đủ và chi tiết hơn chương trình của Anh-Mỹ (Nguồn: BTC)

Kết thúc buổi tọa đàm, thay mặt Ban Tổ chức, ThS Thái Thu Hoài- Phó trưởng khoa Xuất bản, Phát hành trân trọng cảm ơn các quý đại biểu trong và ngoài trường đã tham dự tọa đàm để khoa có dịp lắng nghe, trưng cầu ý kiến của các bên liên quan.

 ThS Thái Thu Hoài- Phó trưởng khoa Xuất bản, Phát hành phát biểu kết luận tọa đàm (Nguồn: BTC)

Khoa Xuất bản, phát hành ghi nhận và trân trọng tất cả những đóng góp ý kiến của đại biểu đã tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm, cũng như gửi nội dung tham luận về Ban Tổ chức, đây là cơ sở để khoa nghiên cứu và sử dụng những nội dung từ những đóng góp này của đại biểu, từ đó xem xét và cải tiến hoàn thiện chương trình đào tạo hiện hành của khoa theo đúng tinh thần hướng dẫn của thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, nhằm cung cấp cho ngành một nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được yêu cầu xã hội.

Bài: N.Thanh

Từ khóa: