Sáng 16/01/2018, Khoa Xuất bản Trường Đại học Văn hóa TPHCM đã tổ chức tọa đàm khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực ngành Kinh doanh Xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội". Đến tham dự buổi tọa đàm có đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, các nhà giáo đã có nhiều kinh nghiệm và thâm niên giảng dạy và đào tọa ngành xuất bản tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của nhiều nhà tuyển dụng, đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên Khoa Xuất bản cũng đến tham dự buổi tọa đàm này.
"Bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, với những tác động đa chiều, mạnh mẽ và những biến động thường xuyên trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã đặt mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội trước những thách thức hết sức gay gắt không chỉ trên phương iện nhận thức mà còn cả trong môi trường hoạt động thực tiễn. Thử thách đó đặt ra ngay trong công tác đào tạo. Việc đào tạo nguồn nhân lực Kinh doanh xuất bản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội đặt ra đối với ngành Xuất bản với vai trò là một ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, lại hoạt động trên địa hạt văn hóa xã hội, đòi hỏi phải kết hợp một cách hài hòa giữa kiến thwucs lý luận được trang bị trên ghế nhà trường với những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm hiện nay" - Đây là một phần trích từ nội dung đề dẫn do thạc sĩ Thái Thu Hoài (Phó Trưởng Khoa Xuất bản) trình bày mở đầu cho buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tọa đàm này đã thu hút được nhiều sự quan tâm của nhiều đại biểu, nhiều cán bộ giảng viên, các nhà hoạt động, nhà quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm. Khoa Xuất bản - Ban tổ chức tọa đàm khoa học này cũng đã nhận được gần 30 tham luận của nhiều đại biểu trong và ngoài nhà trường. Tổng lược nội dung từ các tham luận được gửi về tập trung vào một số chủ đề trọng tâm như: Xây dựng chương trình đạo tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn hoạt động nghành kinh doanh xuất bản phẩm hiện nay; Giải quyết các vấn đề về tổ chức đào tạo và phương pháp đào tạo; Giải quyết vấn đề việc làm cho người học sau khi ra trường; Tìm kiếm và giải quyết vấn đề để người học ngành kinh doanh xuất bản phẩm sau khi ra trường không chỉ là "người bán sách"; Mô hình khởi nghiệp trong ngành xuất bản; Xác định và tổ chức đào tạo cho người học về các kiến thức nâng cao và các kỹ năng nghề nghiệp để tiếp cận lĩnh vực kinh doan xuất bản phẩm.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã phát biểu và đặt ra thêm nhiều nội dung, nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi có tính tồn tại lâu dài từ trước tới nay, gây nên những trở ngại và khó khăn cho ngành kinh doanh xuất bản phẩm. Từ đó, gợi mở ra thêm nhiều vấn đề để các đại biểu cùng tham gia để thảo luận. Nhiều đại biểu và chủ tọa điều hành buổi tọa đàm đều thống nhất với một nhận định của tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: "Thị trường nhân lực kinh doanh xuất bản phẩm hiện nay "đang khát", nhưng điều này cũng đặt ra bài toán rất khó giải quyết dành cho đơn vị đào tạo nguồn nhân lực, mà ở đây là Khoa Xuát bản, Trường Đại học Văn hóa TPHCM".
TS. Phan Thăng - Nguyên Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tài chính Marketing phát biểu tại tọa đàm
Vấn đề về việc học ngoại ngữ trong đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm cũng đã được các đại biểu nhắc tới. Nội dung đó được thể hiện trong tham luận của thạc sĩ Nguyễn Thị Việt Nga (Giảng viên giảng dạy ngoại ngữ cho Khoa Xuất bản) - "Ngoại ngữ - công cụ quan trọng để sinh viên ngành kinh doanh xuất bản phẩm tiếp cận thị trường lao động chuẩn quốc tế".
Vấn đề về kỹ năng sử dụng và làm chủ công nghệ thông tin trong bán hàng và hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm cũng cần phải được đào tạo cho sinh viên ngành xuất bản. Bởi một thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã thành công bằng cách tiếp cận và sử dụng thuần thục, quản lý có hiệu quả các lợi thế về công nghệ thông tin. Đó cũng là một trong những nội dung được chia sẻ bởi ông Đỗ Thanh Tịnh (Giám đốc Công ty Nội thất Tứ Hưng). Ông Đỗ Thanh Tịnh cũng là cựu sinh viên Khoa Xuất bản của Nhà trường, hiện đang thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân cho hoạt động kinh doanh của mình. Dù hiện nay không hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm , nhưng ông Tịnh đã có nhiều mối liên hệ kết nối với Khoa và Nhà trường, có nhiều chương trình hoạt động và hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên của khoa Xuất bản trong nhiều năm liền gần đây. Những chia sẻ của ông Tịnh cũng đã góp phần truyền lửa và nhiệt huyết về khởi nghiệp cho sinh viên của Khoa Xuất bản nói riêng và Nhà trường nói chung.
Tham dự buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Thế Dũng (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu với những nội dung quan trọng, cả về khía cạnh quản lý và vấn đề khoa học trong đào tạo ngành kinh doanh xuất bản phẩm. Trong đó, có thể nhấn mạnh tới một số nội dung sau: Phải đảm bảo ba mục tiêu đã được xác định trong Luật giáo dục đại học (kiến thức, kỹ năng, thái độ) trong tổ chức hoạt động đào tạo; Cần xác định một cách cụ thể, rõ ràng về mục tiêu đào tạo và mục tiêu cụ thể của từng học phần; Rà soát lại chương trình đào tạo, xây dựng chwong trình giảng dạy, các học phần giảng dạy phải bám sát với thực tiến nhu cầu của xã hội; Thay đổi chương trình, hoặc biện soạn chương trình đào tạo thì mục tiêu đầu tiên là hướng đến lợi ích của người học; Định hướng đào tạo phải được xác định rõ ràng - đó cũng là nội dung định hướng mà Nhà trường đã và đang đặt ra và được Ban Giám hiệu Nhà trường tổ chức hẳn một hội nghị đào tạo, mới được diễn ra trong ngày 15/01/2018 vừa qua; Khoa Xuất bản cần suy nghĩ thêm về vấn đề mở chuyên ngành đào tạo mới, phù hợp và đáp ứng những nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại mới.
Thạm dự buổi tọa đàm có nhiều sinh viên hiện đang học chuyên ngành Kinh doanh Xuất bản phẩm. Họ là những người được đào tạo, những người hiện đang "sử dụng" trực tiếp nội dung đào tạo của Khoa Xuất bản và Nhà trường. Do vậy, những ý kiến phát biểu của người học cũng có ý nghĩa nhất định đối với định hướng của việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Kinh doanh Xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội. Đại diện sinh viên tham dự tọa đàm, sinh viên Nguyễn Thị Tuyết Ngân (Lớp Đại học Kinh doanh Xuất bản phẩm 9A) phát biểu về sự hấp dẫn của chuyên ngành này đối với người học, cũng như việc có sự định hướng đúng, khơi gợi đam mê ngành nghề kinh doanh xuất bản phẩm sẽ có tác động như thế nào đối với người học. Bên cạnh đó là một vài ý kiến góp ý cho Khoa và Nhà trường để khắc phục những hạn chế từ nhìn nhận của sinh viên về giảng viên giảng dạy tại nhà trường, cũng những một vài hạn chế khác về nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.
Kết thúc buổi tọa đàm, trước tiên Ban Tổ chức đánh giá sơ bộ là thành công, cả về mặt tổ chức và cả về nội dung chuyên môn. Khoa Xuất bản ghi nhận và trân trọng tất cả những đóng góp ý kiến của đại biểu đã tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm, cũng như gửi nội dung tham luận cho Khoa. Khoa Xuất bản sẽ nghiên cứu và sử dụng những nội dung từ những đóng góp này của đại biểu, để xem xét và xây dựng chương trình đào tạo của Khoa Xuất bản, nhằm cung cấp cho thị trường lao động và xã hội nguồn nhân lực ngành Kinh doanh Xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tin và ảnh: Tôn Long Hạ