Nuôi dưỡng tình yêu nghề

01
01
'70

Nhân kỉ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam, sáng ngày 10/10/2018, Đoàn khoa, Hội sinh viên Khoa Xuất bản trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức chương trình “Nuôi dưỡng tình yêu nghề”, với sự tham gia của khách mời là TS. Quách Thu Nguyệt – Nguyên GĐ NXB Trẻ TP.HCM, hiện là PGĐ đường sách Nguyễn Văn Bình, người đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với ngành sách Việt Nam.

Nhân kỉ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam, sáng ngày 10/10/2018, Đoàn khoa, Hội sinh viên Khoa Xuất bản trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức chương trình “Nuôi dưỡng tình yêu nghề”, với sự tham gia của khách mời là TS. Quách Thu Nguyệt – Nguyên GĐ NXB Trẻ TP.HCM, hiện là PGĐ đường sách Nguyễn Văn Bình, người đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với ngành sách Việt Nam.

Đây là buổi trò chuyện thân tình giữa cô và trò khoa Xuất bản nhằm ôn lại truyền thống ngành Xuất bản, giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên về ngành nghề, về tương lai của ngành và về công việc của chính các bạn trong tương lai.

Ngành Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm là ngành có quá trình phát triển lâu đời, gắn liền với tiến trình phát triển của văn minh nhân loại: từ khi con người phát minh ra chữ viết, cách in ấn và sản xuất giấy… “những người làm trong lĩnh vực sách là những người làm trên một kho vàng tri thức” là cách nói vui của TS Quách Thu Nguyệt khi mở đầu buổi trò chuyện thân tình, bởi sách là nguồn cung cấp tri thức cho nhân loại và rất nhiều quyển sách đã truyền cảm hứng, thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Trước câu hỏi của các bạn sinh viên về tương lai của ngành, nhu cầu về nhân sự và mức lương nếu gắn bó với nghề, TS Quách Thu Nguyệt đã trả lời như sau:

“Mức lương cao hay thấp khi bạn bắt tay vào ngành này hay bất cứ ngành nghề nào khác đều tùy thuộc vào tay nghề và thái độ của bạn đối với công việc bạn đang làm. Và một điều chắc chắn rằng hiện nay nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp làm sách là rất lớn bởi hiện nay ngành sách đang rất phát triển ở cả hai thị trường phía bắc và phía nam. Rất nhiều nhà văn, nhà báo… đang bước chân vào làm sách, vì vậy bản thân các bạn có đủ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hay không, tất cả phụ thuộc rất nhiều vào chính các bạn trong quá trình học, thái độ học, cách rèn luyện và nâng cao kỹ năng, tìm tòi kiến thức và nâng cao tay nghề để đáp ứng cho thị trường đang rất khát nhân lực có tay nghề”

Một thắc mắc được rất nhiều bạn sinh viên quan tâm là sau khi học ngành kinh doanh xuất bản phẩm xong sinh viên có thể làm việc ở đâu và cần phải học hỏi thêm điều gì để có thể đáp ứng được cho nhu cầu về nhân lực của ngành sách hiện nay? Thắc mắc này đã được cô Nguyệt tư vấn rất nhiệt tình như sau:

“Khi học ngành này bạn có thể làm ở bộ phận kinh doanh sách, digital marketing, designer, biên tập viên, viết sách,… vấn đề là ngoài kiến thức từ nhà trường, bạn cần biết thế mạnh của mình là gì, yêu thích, đam mê ở lĩnh vực nào thì cần khai thác, học tập để nâng cao thế mạnh đó nhằm phát huy đúng sở trường của mình.”

Để chuẩn bị hành trang trước khi bước vào đời, TS Quách Thu Nguyệt cho rằng ngoài kiến thức được học từ nhà trường thì sinh viên cũng cần có kĩ năng và thái độ đối với ngành nghề. Trước tiên, với sinh viên ngành sách là phải yêu thích sách và đọc nhiều sách, có thể thành lập hoặc tham gia các câu lạc bộ cùng sở thích. Vì đọc để có thêm nhiều kiến thức, đọc để trân quí nghề và để có thêm kĩ năng cần thiết. Tiếp theo sinh viên cần thay đổi phương pháp học, không học theo lối mòn, không phải học “để trả nợ” mà học để lớn, để giỏi, để khẳng định mình và sống với đam mê của mình… Vì vậy, cần có tư duy phản biện, xử lý các thông tin cần thiết trong quá trình học và đọc để có được những kiến thức bổ ích cho chính mình. Bên cạnh đó, sinh viên có thể tham gia làm, trải nghiệm thực tế để vừa có thu nhập trang trải cuộc sống vừa có thể rèn luyện kĩ năng với nghề bằng cách lựa chọn công việc làm thêm phù hợp như viết review sách cho các chuyên mục sách hay, mỗi ngày một cuốn sách, tham gia các hoạt động ngành nghề… Trước khi đi kiến tập hay thực tập cần tìm hiểu kĩ đơn vị mình thực tập, định vị thương hiệu của đơn vị đó để có thể tiếp cận công việc được tốt hơn…

Sau hơn hai giờ đồng hồ lắng nghe những chia sẻ từ TS Quách Thu Nguyệt dường như là chưa đủ khi càng về sau càng có nhiều câu hỏi được đặt ra cho cô. Kết thúc buổi trò chuyện thân tình giữa cô và trò dường như đã tăng thêm tình yêu nghề, sự quyết tâm theo đuổi đam mê với nghề của các bạn sinh viên khoa Xuất bản. Để kết lại câu chuyện của cô trò, TS Quách Thu Nguyệt đã trích dẫn quan điểm về học tập của UNESCO: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Quan điểm về học tập mà UNESCO nêu lên thật dễ hiểu, gần gũi. Nó thiết thực không chỉ cho các nhà lãnh đạo hoạch định nền giáo dục của quốc gia mình, mà còn cho bản thân mỗi người đi học. Tuy nhiên, để biến những phương châm ấy thành hành động cụ thể, thì rất cần nỗ lực không ngừng của từng cá nhân.

 

Ngọc Linh

 

Từ khóa: